Thầy Thích Minh Niệm là một nhà sư được nhiều phật tử biết tới qua các bài giảng về đời và đạo, những buổi thuyết pháp và hướng dẫn tu tập thiền vô cùng gần gũi. Với phong thái đĩnh đạc, giọng nói từ tốn chậm rãi cùng vốn kiến thức sâu rộng về đạo phật nhưng khi truyền tải tới phật tử lại rất dễ hiểu, thầy Minh Niệm qua những bài giảng của mình đã giúp ích cho nhiều phật tử trên hành trình chữa lành của mình và có những biến chuyển tích cực cả trong suy nghĩ và đời sống.
Nhà sư Thích Minh Niệm tên khai sinh là Lê Quốc Triều, sinh năm 1975. Từ khi sinh ra và trong suốt quãng thời gian niên thiếu và trưởng thành, thầy sinh sống tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Năm 17 tuổi, tức năm 1992, ngay sau khi tốt nghiệp cấp Trung học phổ thông, Lê Quốc Triều chính thức xuất gia tu tập và nghiên cứu tư tưởng Phật giáo Đại thừa tại Phật học viện Huệ Nghiêm (TP.HCM), lấy pháp danh là Minh Niệm. Tại đây, thầy đã được thọ giáo nhiều kiến thức sâu rộng của tư tưởng Phật Giáo Đại Thừa. Tuy nhiên, ít lâu sau đó khi hay tin cả cha và mẹ đều mất cùng lúc do tai nạn giao thông, đứng trước mất mát to lớn nhất của đời người, nhà sư Minh Niệm đã hoàn toàn gục ngã, đau đớn và nhận thấy bản thân mình dù qua tu thân học đạo nhưng lại chưa thực sự bước vào con đường chuyển hóa. Nhận thức này sau đó đã được thầy nhắc lại khá nhiều lần trong các buổi thuyết giảng Phật pháp về sau để các Phật tử hiểu được hành trình vượt qua khổ đau, trước hết là cần thực sự đối diện với nó. Sau khi đối diện với nỗi đau lớn mất cùng lúc cả cha và mẹ, sư Minh Niệm quyết định đến với thiền. Tiếp cận với thiền từ những bài học cơ bản nhất về Tứ Niệm Xứ của Thiền sư Ajahn Chah. Đây cũng chính là thời điểm sư Minh Niệm cảm thấy bản thân mình như đang sống dậy từng ngày và bắt đầu những tháng ngày của một người tu hành đích thực.
Những dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp tu hành của thầy Minh Niệm Năm 2001, khi nhà sư 26 tuổi, thầy Minh Niệm có nhân duyên được sang Làng Mai (Pháp) tu học. Đây là một môi trường thiền hành lý tưởng mà sư Minh Niệm đã mơ ước bấy lâu. Khi sang Làng Mai, sư Minh Niệm may mắn được thọ giáo trực tiếp với Thiền sư Thích Nhất Hạnh – một nhà sư có ảnh hưởng rất lớn tới Phật Giáo trên toàn thế giới, thông qua việc chính thức bước vào tân tu giới bản của người xuất gia tu hành (Pratimoksha). Đây chính là một dấu mốc quan trọng và có ý nghĩa lớn đối với cuộc đời tu hành của nhà sư Minh Niệm. Năm nhà sư 30 tuổi, khi đang tìm kiếm những tinh yếu của dòng thiền Vipassana nguyên thủy, cơ duyên đã giúp thầy được gặp và tiếp xúc trực tiếp với Thiền sư Sao Tejaniya ở Hawaii (Mỹ). Đây chính là dấu mốc mà nhà sư Minh Niệm thực sự chạm tới năng lực chánh niệm và xây dựng được khả năng quan sát, đối diện, thường trực với chính phiền não của bản thân. Quãng thời gian thọ giáo với vị Thiền sư nổi tiếng ở Hawaii tuy ngắn ngủi chỉ khoảng hơn 3 tháng nhưng được thầy Minh Niệm rất chân quý. Vì chính cuộc hạnh ngộ này đã góp một phần rất lớn tới quyết định thầy sẽ lui về ở ẩn một mình ở nơi thâm sơn, tiếp tục con đường hành thiền, chạm trán, đối diện với phiền não, khổ đau của mình trong 3 năm sau đó. Năm 2008, vị Thiền sư Minh Niệm sau khi kết thúc quãng thời gian tu tập nơi thâm sơn đã quyết định tìm tới những trung tâm thiền tập tại miền Đông Bắc Hoa Kỳ nhằm kiểm chứng công phu tu tập của bản thân.
Đây chính là quãng thời gian mà nhà sư vừa thực hiện công tác chia sẻ kinh nghiệm thiền tập của bản thân nhưng cũng áp dụng phương pháp tâm lý trị liệu bằng ngôn từ hiện đại để dễ hiểu hơn với đại đa số Phật tử. Đây chính là một nét riêng độc đáo trong cách truyền đạt tư tưởng Phật giáo của nhà sư Minh Niệm so với nhiều nhà sư thường truyền đạt Phật giáo bằng ngôn ngữ tôn giáo cổ điển, có thể khiến nhiều người khó tiếp cận nếu chưa từng qua tìm hiểu. Lối thực hành thiền của sư thầy Minh Niệm được hình thành dựa trên nền tảng của thiền nguyên thủy Vipassana, kết hợp với tư tưởng Phật giáo Đại thừa, đây chính là cách Thiền hiểu biết (Understanding Meditation). Tuy vậy cần hiểu rằng cách hành thiền này của thầy là sự tiếp nối và phát triển dựa trên những kiến thức, kinh nghiệm có được qua quãng thời gian tu tập nghiêm túc chứ không phải là một sáng chế riêng biệt. Để thêm hiểu mình, hiểu đời cũng như thực hành thực hành thiền sâu sắc hơn, từ năm 2011 – 2014, thầy Minh Niệm đã thực hiện chuyến đi bộ vòng quanh 25 tiểu bang của Mỹ. Đây là chuyến đi được thầy dí dỏm chia sẻ là cách “tu bụi”. Trong hành trình này, thầy đã dành thời gian để sống ở những nơi hoang vu, hẻo lánh, có khi thầy sống và làm thiện nguyện ở các nông trại trồng hoa màu. Chuyến đi nhiều vất vả, đối diện với nhiều hoàn cảnh sống khắc nghiệt, thậm chí suýt mất mạng tới 6 lần nhưng theo chia sẻ của thầy thì đó chính là liều thuốc mạnh mẽ cho ý chí của mình. Thậm chí, thầy còn không ngần ngại cho rằng đó là quãng thời gian đáng quý và đẹp đẽ nhất trong cuộc đời tu tập của mình. Vào năm 2015, sau khi về nước, thầy Minh Niệm đã sáng lập ra Trung tâm Hàm dưỡng tâm hồn và rèn luyện kỹ năng sống (Bản Hoa Anh Đào) ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Đây chính là địa chỉ để nhiều phật tử tìm đến khi muốn chữa lành những vết thương tâm hồn và cũng chính là nơi huấn luyện cho những chuyên gia về tâm lý trị liệu chuyên phục vụ cộng đồng. Thầy Thích Minh Niệm là tác giả của cuốn sách nổi tiếng: “Hiểu về trái tim” Một hoạt động được sư thầy Thích Minh Niệm tiến hành song song trong quá trình tu thiền chính là viết sách. Vào năm 2011, thầy Minh Niệm đã cho ra mắt tác phẩm đầu tay “Hiểu về trái tim”. Đây hoàn toàn không phải là một tác phẩm thuyết giảng về Phật pháp mà là một tác phẩm đề cập tới những vấn đề rất đời, rất nhiều ưu tư mà nhân sinh ít nhiều ai cũng từng trải qua. Tác phẩm truyền đạt những suy ngẫm, lý giải về hạnh phúc, tình yêu, khổ đau, tuyệt vọng, cô đơn, yếu đuối, biếng lười… đủ những hỉ – nộ – ái – ố của đời người dưới góc nhìn của một người tu hành. Bằng cách lý giải dễ hiểu, cách hành văn gần gũi mà người đọc khi đối diện với những vấn đề này cảm thấy như được “gỡ nút thắt”, biết cách chấp nhận để thấy mọi sự vật, sự việc đó nhẹ nhàng hơn. Cuốn sách “Hiểu về trái tim” của thầy Minh Niệm như một dòng suối mát lành, một nguồn năng lượng an yên đưa người đọc hướng về trái tim của mình và xa hơn là lắng nghe nó, hiểu nó. Khi hiểu được trái tim của mình thì con người sẽ biết cách, dễ dàng hơn khi muốn hiểu, muốn yêu thương người khác. Tác phẩm này bao gồm 50 bài viết trình bày theo 50 chủ đề tâm lý như: Hạnh phúc, khổ đau, tình yêu, tức giận, ích kỷ, ghen tuông, tham vọng, nghi ngờ, thành thật, do dự, lo lắng, buông xả, bình yên, thảnh thơi, cô đơn, lắng nghe… Các nội dung đều được trình bày theo lối hành văn chân phương, ngắn gọn, dễ hiểu nhưng hết sức sâu sắc và thực tế, đúng như phong cách của thầy Minh Niệm từ trước tới nay. Do đó, cuốn sách này đã dành được rất nhiều sự yêu mến của độc giả và còn là tác phẩm được bình trọn là “sách được yêu thích nhất năm 2013” do Fahasa tổ chức. Ngoài ra, cuốn sách này cũng gây ấn tượng vì được in lần đầu với số lượng kỷ lục 100.000 bản, được xuất bản nhiều lần và từng lọt vào top những đầu sách bán chạy nhất trong nước. Chưa hết, “Hiểu về trái tim” còn được nhà xuất bản Brain Works Asia (Nhật Bản) mua lại bản quyền và được bán trên Amazon với tựa đề tiếng Anh là “Understanding the Heart – The Art of living in Happiness”.
Năm 2016, thầy Minh Niệm cho ra đời cuốn sách thứ hai mang tựa đề “Làm như chơi”. Tiếp nối những thành công của cuốn “Hiểu về trái tim”, cuốn sách thứ hai này cũng sử dụng một lối hành văn súc tích, ngắn gọn và dung dị phù hợp với tất cả mọi đối tượng độc giả. Cuốn sách được nhiều độc giả trẻ đang trên con đường tu thân, làm quen với thiền và tìm hiểu về Phật giáo rất yêu thích. Mặc dù định cư ở Mỹ nhưng thầy Minh Niệm rất nổi tiếng và được yêu mến bởi nhiều độc giả, phật tử đang sinh sống ở trong và ngoài nước khi theo dõi thầy qua những bài giảng, các buổi pháp thoại được đăng tải trên những phương tiện truyền thông đại chúng như youtube, tivi, báo chí Phật giáo…
Mọi người thường hay nhầm lẫn khái niệm uy lực với quyền lực. Nếu quyền lực là dùng quyền uy để lấn lướt hay khiến người khác khiếp sợ và nghe theo mình, vậy còn uy lực được hiểu như thế nào? The Quoc Khanh Show lần này mang đến một subseries mới mang tên “Mindful Leadership - Lãnh đạo tỉnh thức". Ở tập đầu tiên, host Quốc Khánh và Thầy Minh Niệm sẽ trò chuyện xoay quanh chủ đề Uy lực. Là một người lãnh đạo, uy lực là một yếu tố quan trọng để quản trị và dẫn dắt đội ngũ phát triển nhưng khi nào thì mới nên thị uy? Để tạo sinh uy lực, người lãnh đạo phải rèn luyện sức mạnh từ bên trong như thế nào? Hãy cùng theo dõi cuộc trò chuyện mới nhất của Mindful Leadership để lắng nghe những chia sẻ sâu sắc từ Thầy Minh Niệm.
Mindful Parenting là chuỗi nội dung đầu tiên dành cho cha mẹ trên kênh Vietsuccess. Chương trình hướng tới việc hóa giải các vấn đề trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, từ đó giúp cha mẹ chuyển hóa hành động, suy nghĩ và cảm xúc để nuôi dạy con trong tỉnh thức. Con cái là sản phẩm của cha mẹ vậy nên nếu muốn con trưởng thành theo cách tốt nhất thì bản thân cha mẹ phải là phiên bản tốt nhất của mình. Ở tập đầu tiên của Mindful Parenting, Host Quốc Khánh có dịp trò chuyện cùng Thầy Minh Niệm để bàn luận về việc như thế nào là cha mẹ tỉnh thức? Khi nào nên sẵn sàng trở thành cha mẹ, sẵn sàng cho việc có con?
Bản chất của chúng ta vốn luôn luôn trong trẻo, sáng suốt nhưng vì không biết cách chăm sóc, quản lý nên phần lớn ta sống trong sự che phủ bởi những áng mây mờ của suy nghĩ, lo lắng. Để rồi đến khi xảy ra biến cố ta mới biết những gì mình đang theo đuổi không có nhiều giá trị đến thế. Ở tập mới nhất của Mindful Leadership - Lãnh đạo tỉnh thức, chúng ta sẽ được lắng nghe Thầy Minh Niệm chia sẻ về sự khác biệt giữa nhà lãnh đạo tỉnh thức và không tỉnh thức, cách để chăm sóc tâm thức của mình. Và làm sao để làm như chơi, làm việc hết mình mà vẫn thăng hoa trong những giá trị đạo đức? Hãy cùng lắng nghe cuộc trò chuyện này của host Quốc Khánh và Thầy Minh Niệm.