Gập lại trang sách cuối cùng, tôi đặt bút xuống và bắt đầu viết ngay về nó. Một cuốn sách mà tôi ước mình được đọc vào năm 18, 20 tuổi, cái tuổi còn hoang mang và ngây dại, lao đao đi tìm đường cho chính mình. Một cuốn sách của người thầy mà tôi vô cùng kính trọng, Giáo sư Phan Văn Trường. Và tôi đang viết về “Một đời như kẻ tìm đường”.
Cuốn sách này là tác phẩm thứ 3 của thầy trong bộ sách “Kết tinh một đời” xuất bản cách đây một năm. Khác với hai cuốn sách được viết trước là “Một đời quản trị” và “Một đời thương thuyết” thầy dành tặng cho những người làm kinh doanh, những nhà đàm phán, cuốn sách thứ ba này thầy gửi tặng cho tất cả mọi người.
“Một đời như kẻ tìm đường” kể lại một cách trầm ấm những câu chuyện trong gần 70 năm sinh sống và làm việc tại hơn 80 quốc gia của thầy Trường, từ khi thầy còn là một cậu du học sinh nghèo trên đất Pháp tới khi đã trở thành một trong những người quyền lực nhất thế giới. Qua mỗi câu chuyện thầy kể, thầy đúc rút những bài học, những sai lầm không nên mắc phải trong chuyện chọn trường, chọn nghề, chuyện đi làm, văn hoá ứng xử, chọn một thái độ sống và làm việc đúng đắn, mà nổi bật nhất là văn hoá “nice and professional” và “hãy thật hồn nhiên”. Theo thầy, đó chính là chìa khoá để thế hệ sau bước đến đỉnh cao của tri thức và nhân loại.
Không chỉ chong đèn soi lối cho những ai đang loay hoay với sự nghiệp, thầy còn soi sáng và làm rõ một khía cạnh quan trọng khác của cuộc sống mà nhiều người trong số chúng ta sau đang dần quên lãng đi giá trị đích thực của nó. Đó là tình yêu! Qua từng trang sách, thầy gửi gắm một bài học đắt giá cho thế hệ sau cần phải nhớ. “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”. Thầy viết về tầm quan trọng của người đầu ấp tay gối với chúng ta, thầy dặn chúng ta phải biết trân trọng người bạn đời của mình. Vì chỉ khi có một hậu phương vững chắc như thế, mỗi cá nhân mới có thể nghĩ đến việc chinh phục thế giới rộng lớn ngoài kia. Thầy khẳng định, lựa chọn quan trọng nhất trong đời người chính là tìm ra người chồng/người vợ để bước cùng trên hành trình sắp tới.
Như bao người khác thầy cũng đã là một người cha. Thầy dành những trang cuối cùng để gửi tới những các bậc phụ huynh đang hoang mang và cố tìm cho con mình một con đường tốt. Thầy mong các phụ huynh hãy bình tĩnh, hãy tự do với con họ và cũng như tự do với chính mình. Hãy tin tưởng và bên cạnh các con như một “người bạn” để cùng con trải nghiệm và đừng áp đặt bất kỳ một quan điểm nào mà mình cho là đúng lên một đứa trẻ đang trên hành trình khám phá thế giới của riêng nó. Chính “tình bạn” ấy sẽ giúp họ hiểu hơn về con và về chính mình. Mỗi đứa trẻ rồi sẽ là một kỳ tích nếu như các bậc phụ huynh biết cách làm bạn chứ không phải áp đặt khi ở bên cạnh chúng.
“Một đời như kẻ tìm đường” không phải là quyển sách để ta đọc một, hai lần. Nó là cuốn cẩm nang cô đọng những gì tinh túy nhất từ 70 năm cuộc đời của một con người đã đi năm châu bốn bể, đã gặp gỡ hàng trăm ngàn người thuộc đủ thể loại màu da sắc tộc, văn hoá, tôn giáo. Từng bài học trong cuốn sách rồi chính chúng ta sẽ trải qua. Với những lời khuyên và bài học triết lý nhân văn sâu sắc từ Giáo sư Phan Văn Trường, tôi tin rằng cuốn sách “Một đời như kẻ tìm đường” sẽ trở thành một người bạn đồng hành đáng tin cậy của mỗi người trong chuyến hành trình cuộc đời còn dài phía trước.