Tìm kiếm

Các xã hội sụp đổ: Bài học cho nhân loại

Nếu quá khứ dạy chúng ta điều gì, thì đó là nếu cứ bám víu lấy hệ thống lỗi thời, kém thích nghi với sự thay đổi của hoàn cảnh – như biến đổi khí hậu hay bất ổn xã hội – thì thảm họa sẽ xảy đến. Những người có phương tiện và cơ hội để thúc đẩy thay đổi cần phải thực hiện cải cách, hoặc ít nhất là không cản trở nó.

POST: KTQT_004

Nếu quá khứ dạy chúng ta điều gì, thì đó là nếu cứ bám víu lấy hệ thống lỗi thời, kém thích nghi với sự thay đổi của hoàn cảnh – như biến đổi khí hậu hay bất ổn xã hội – thì thảm họa sẽ xảy đến. Những người có phương tiện và cơ hội để thúc đẩy thay đổi cần phải thực hiện cải cách, hoặc ít nhất là không cản trở nó.

“Diệt vong”, trong chuỗi tác phẩm “Tiến trình của Đế chế” của hoạ sĩ Thomas Cole, 1836.

Toán học và dữ liệu có thể cho chúng ta thấy điều gì? 

Có thể là “Lịch sử không lặp lại, nhưng thời thế trồi sụt xoay vần”, (Mark Twain).

Daniel Hoyer, nhà sử học và khoa học tích hợp tại Đại học Toronto, đã nghiệm ra rằng câu danh ngôn này quả thực đúng đắn. Với nền tảng học vấn về lịch sử cổ đại, ông đã cố gắng tìm hiểu tại sao La Mã vươn lên lớn mạnh thành một đế chế rồi cuối cùng sụp đổ.

Hoyer cùng đồng nghiệp tận dụng các công cụ thống kê và khoa học tiến hóa, vật lý,… để làm rõ thêm quá khứ, tìm hiểu lí do tại sao các sự kiện lại diễn ra như vậy, khiến phân tích lịch sử dưới góc nhìn của một ngành khoa học tự nhiên. Từ năm 2011, nhóm của ông tổng hợp một lượng thông tin khổng lồ thành ‘Ngân hàng dữ liệu lịch sử thế giới’ mang tên Seshat, với sự đóng góp của hơn 100 nhà nghiên cứu từ khắp thế giới. Seshat có thể ghi lại dân số của một xã hội, hoặc trả lời các câu hỏi về sự hiện diện hoặc vắng mặt của một thứ gì đó, tỷ như xã hội nào đó có quan chức chuyên nghiệp hay không, hoặc có bảo trì các công trình thủy lợi hay không… Dữ liệu được chuyển thành dạng nhị phân để phân tích, nhưng vẫn kèm theo các mô tả định tính, giải thích tại sao cho các câu hỏi tại sao, các sắc thái biểu đạt, và đánh dấu sự thiếu chắc chắn của dữ liệu nào chưa được nghiên cứu rõ ràng, và trích dẫn các tài liệu có liên quan.

Nhóm nghiên cứu tập trung thu thập thông tin về các cuộc khủng hoảng, bất ổn xã hội thường dẫn đến sự tàn phá lớn, như nạn đói, bệnh dịch, nội chiến, sự sụp đổ của triều đại. 

Hiện tại, nhân loại đang sống trong thời đại đa khủng hoảng – các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế, môi trường có sự liên hệ mật thiết với nhau và đều đang trong trạng thái căng thẳng: hậu COVID-19, thị trường năng lượng và lương thực căng thẳng, bất ổn chính trị, chủ nghĩa cực đoan, biến đổi khí hậu là các ví dụ điển hình. Và nhìn lại các cuộc khủng hoảng trong quá khứ, chúng ta có thể tìm ra cách ứng phó của xã hội nào là tốt nhất, vì một số chủ đề quan tâm như thảm hoạ sinh thái và khí hậu bất thường đều không phải là điều gì mới lạ trong lịch sử.

Xung đột trong giới tinh hoa và sự bất bình đẳng

Một trong những khuôn mẫu chung nhất là các cuộc khủng hoảng lớn đều dồn chứa trong nó bất bình đẳng xã hội cực độ. Khoảng cách lớn về giàu nghèo và quyền lực chính trị gây ra sự thất vọng, bất mãn và hỗn loạn, hệ quả là hàng triệu người đã chết do các cuộc nội chiến tàn khốc nhất trong lịch sử cận đại như nội chiến Hoa Kỳ, Cách mạng Nga, Thái Bình Thiên Quốc. 

Một trong những khuôn mẫu chung nhất là các cuộc khủng hoảng lớn đều dồn chứa trong nó bất bình đẳng xã hội cực độ.

Hơn trăm năm chìm trong bất ổn và đói nghèo đã khiến nền Cộng hòa La Mã sụp đổ. Các phe phái chính trị thù địch phỉ báng nhau bằng lời lẽ cực đoan, thúc đẩy ẩu đả bạo lực trên các đô thị, thậm chí đã hành quyết nhà lãnh đạo cải cách Tiberius Gracchus. Cuối cùng, xung đột đã trở thành nội chiến toàn diện giữa các đội quân được huấn luyện bài bản. Tuy nhiên, vì xung đột và các bất công cơ bản không được giải quyết, giao tranh cứ tiếp diễn từ những năm 130 TCN đến năm 14 CN, đến khi kết thúc bằng sự sụp đổ của nền cộng hòa.

Tình trạng bất bình đẳng ăn mòn từ bên trong giới tinh hoa, bởi họ tích lũy quá nhiều của cải và quyền lực nên dẫn đến đấu đá nội bộ gay gắt, rồi lan rộng ra khắp xã hội.

Đối với nền cộng hòa, quyền lực và sự giàu có của các nghị sĩ như thỏi nam châm hút lấy sự bất mãn và tức giận của dân chúng, chính thời cơ đó đã được các lãnh đạo quân sự như Julius Caesar nắm bắt để gây ra xung đột.

Những mâu thuẫn tương tự được lặp lại trong lịch sử: hận thù giữa các chủ đồn điền miền Nam và các nhà công nghiệp miền Bắc trước cuộc nội chiến Hoa Kỳ, hay xung đột giữa Sa hoàng và quý tộc Nga cuối thế kỷ XIX.

Cuộc nổi dậy của Thái Bình Thiên Quốc năm 1864 được xúi giục bởi các thanh niên học thức cao, đã tốn nhiều năm đèn sách và thi cử đỗ đạt nhưng không nhận được chức quan và bổng lộc tương xứng. 

Quang cảnh mùa đông tại Amsterdam trong thời kỳ tiểu băng hà qua tranh vẽ của Hendrick Avercamp (1585-1634). Ảnh: Science History Images / Alamy Stock Photo

Khuôn mẫu dẫn dắt các sự kiện nêu trên là những kẻ giàu có và quyền lực luôn cố gắng giành miếng bánh lớn hơn nữa để củng cố vị thế. Họ đảm bảo sự kế thừa cho con cháu một cách không khoan nhượng, làm xói mòn tham vọng và nỗ lực gia nhập giới thượng lưu của tầng lớp thấp hơn. Thông thường, tiền và quyền là hai thứ song hành, giới tinh hoa luôn muốn nắm lấy những vị trí chủ chốt trong nền chính trị.

Sự cạnh tranh quyết liệt khiến kẻ bề trên áp dụng các giải pháp triệt hạ, bất chấp mọi thủ đoạn, kể cả phạm vào luật pháp hay luân lý đạo đức, hòng luôn nắm quyền thống trị. Một khi những điều cấm kỵ bị phá bỏ – như vẫn thường xảy ra – hậu quả rất tàn khốc.

Bê bối tuyển sinh vào trường đại học tinh hoa của Hoa Kỳ vào năm 2019 cũng là một sự lặp lại của khuôn mẫu lịch sử. Một số nhân vật nổi tiếng bị phát giác đã hối lộ để con họ chắc suất nhập học các trường danh giá hàng đầu thế giới, từ đó đảm bảo sự nghiệp tươi sáng. 

Tại Vương quốc Anh duy trì một hệ thống vinh danh cho những người cầm quyền. Cựu thủ tướng đầy tai tiếng Boris Johnson đã trao cho giới thân cận những tước vị cao quý, và ông không phải là người đầu tiên, chắc chắn cũng không phải là người cuối cùng làm như vậy.

Sự đối kháng giữa giới tinh hoa và những người nghèo bị gạt ra bên lề xã hội, tạo ra những tình huống cực kỳ nguy hiểm.

Một motif điển hình là những người có tiền thường mua thêm quyền lực: chức vụ trong hệ thống chính trị, quân sự, tôn giáo hoặc các đại công ty, bất cứ vị trí nào được xem là có giá trị trong xã hội. Donald Trump là phiên bản nổi bật nhất gần đây, và sự cực đoan của Trump được ủng hộ bởi sự bất mãn trong xã hội Hoa Kỳ. Khi không được giải tỏa, nó dồn nén và bùng phát thành vụ bạo loạn ngày 6/1/2021.

Sự cạnh tranh trong nội bộ giới tinh hoa thường gia tăng khi tình trạng bất bình đẳng quá lớn, khiến phần đông quần chúng thất vọng, tức giận và sẵn sàng cho thay đổi, ngay cả khi họ phải chiến đấu và đánh đổi bằng tính mạng. 

Tóm lại, sự đối kháng giữa giới tinh hoa và những người nghèo bị gạt ra bên lề xã hội, tạo ra những tình huống cực kỳ nguy hiểm.

Khi chính quyền không thể lèo lái con tàu

Giới tinh hoa có xu hướng chiếm lấy phần lớn của cải, gây thiệt hại cho nhà nước và cho quần chúng. Ví dụ, các chương trình phúc lợi và hàng hóa công cộng, như cung cấp thực phẩm, nhà ở hoặc chăm sóc sức khỏe, bị thiếu ngân sách và cuối cùng chấm dứt. Thiểu số người giàu vẫn đủ khả năng chi trả cho các dịch vụ, còn người nghèo chiếm phần đông không thể tiếp cận các nhu cầu thiết yếu.

Nhà khoa học chính trị Jack Goldstone đã đưa ra giả thuyết cấu trúc nhân khẩu học vào đầu những năm 1900, với nhìn nhận sâu sắc về đại cách mạng Pháp, vốn thường được gán cho nguyên nhân bạo loạn của quần chúng. Goldstone chỉ ra rằng sự đối kháng và mâu thuẫn trong nội bộ giới tinh hoa đã thúc đẩy cuộc cách mạng.

“Bệnh dịch tại một thành phố cổ đại”, nhiều khả năng chính là Athens, tác phẩm của họa sĩ Michael Sweerts (khoảng năm 1652). Ảnh: LACMA/wikemedia

Các trí thức tư sản không được tôn trọng bởi giới quý tộc của nền quân chủ Pháp. Triều đình mất quyền kiểm soát đất nước trong nhiều thập kỷ do quản lý yếu kém các nguồn lực, cũng như do các đặc quyền mà giới tinh hoa cố nắm chặt bằng mọi cách.

Khi một xã hội đang rất trông cậy vào lãnh đạo chính phủ và các cơ quan dân sự để cải thiện và xoay chuyển tình thế thì xã hội đó cũng thấy mình đang trong thời điểm suy yếu và không sẵn sàng đương đầu thử thách. Nên thật dễ hiểu khi nhiều cuộc khủng hoảng đã biến thành thảm họa. 

Khủng hoảng đang âm ỉ trong lòng xã hội các nước phát triển phương Tây. Tại Hoa Kỳ, nhiều năm thả nổi quản lý và phụ thuộc vào tư nhân đã hủy hoại nhiều phúc lợi công cộng và các thành quả kinh tế thời hậu chiến. Tại Anh, cơ quan sức khỏe quốc gia NHS từng được thế giới ca ngợi nay lâm vào cảnh nguy kịch vì liên tục bị cắt giảm ngân sách. 

Khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng, người giàu ngày càng giàu, còn người nghèo thì càng nghèo thêm. Trên toàn thế giới, chỉ 10% hộ gia đình giàu nhất nắm giữ 75% tổng tài sản của nhân loại. 

Trong tình huống này, năng lực của chính quyền và sự ủng hộ của giới tính hoa sẽ mang tính quyết định cho việc xử lý khủng hoảng. Thế nên một số nhà bình luận chính trị thậm chí đã nghĩ tới một cuộc nội chiến lần hai của Hoa Kỳ sắp xảy ra.

Thời đại đa khủng hoảng

Ngày nay, ngoài những thách thức mới như chuỗi cung ứng thực phẩm và khoáng sản toàn cầu, nhân loại vẫn phải đối mặt với những thách thức cũ trong một kỷ nguyên ‘đa khủng hoảng’. Viện Cascade đã đưa ra danh sách những khủng hoảng mà thế giới đang đối mặt, và mức độ đáng sợ của chúng:

– Ảnh hưởng sức khỏe lâu dài và hệ quả kinh tế – xã hội của COVID-19

– Kinh tế trì trệ với lạm phát cao và tăng trưởng thấp

– Biến động của thị trường năng lượng và thực phẩm toàn cầu

– Xung đột địa chính trị

– Bất ổn chính trị và xã hội phát sinh từ bất ổn kinh tế

– Chủ nghĩa cực đoan

– Chia rẽ chính trị

– Tính chính danh của các chế độ bị suy giảm

– Các hiện tượng thời tiết cực đoan do khí hậu nóng lên

Mỗi vấn nạn đều gây ra mức độ tàn phá nhất định, và sự tương tác giữa chúng dường như gây ra hủy hoại tổng hợp, thay vì giảm nhẹ ảnh hưởng của nhau.

Đã có nhiều mối đe dọa cùng xảy ra trong quá khứ, nhưng chỉ trong phạm vi khu vực hoặc liên lục địa chứ không phải ở quy mô toàn cầu. 

Môi trường là thách thức thường trực của nhân loại: giá lạnh, hạn hán, nạn đói kéo dài, thời tiết khó lường cũng như những cú sốc sinh thái nghiêm trọng. Đơn cử, “Tiểu băng hà” là một thời kỳ nhiệt độ lạnh bất thường kéo dài vài trăm năm từ thế kỷ XIV đến đều thế kỷ XIX, gây ra sự tàn phá hàng loạt tại lục địa Á-Âu. Khí hậu khắc nghiệt đã gây ra một số thảm họa sinh thái, bao gồm nhiều nạn đói xảy ra khắp nơi.

Trong thời kỳ này, hoạt động kinh tế bị gián đoạn, an ninh lương thực của người dân các vùng khó canh tác bị tổn hại nghiêm trọng. Ai Cập đã trải qua cuộc đại khủng hoảng vào thế kỷ XIV dưới triều đại Mamluk, dịch bệnh bùng phát và lũ lụt tàn phá mùa màng nội địa kèm theo gián đoạn giao thương do xung đột tại Đông Á đã kết hợp gây nên nạn đói khủng khiếp khắp Ai Cập, dẫn đến cuộc khởi nghĩa giết chết vị sultan của Mamluk khi đó là An-Nasir Fajah.

Bạo loạn và nổi dậy diễn ra khắp lục địa Á-Âu trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Bệnh dịch hạch lan tràn dân chúng bị đói rét.

Thời hiện đại, đại dịch COVID-19 đã tàn phá toàn thế giới, nhưng gây ra mức độ tác động khác nhau đối với từng quốc gia hay cộng đồng, tùy vào khả năng phát hiện kịp thời, tính hiệu quả của các biện pháp y tế công cộng, thành phần nhân khẩu học (người cao tuổi là đối tượng dễ bị tổn thương hơn), và cả các căng thẳng xã hội vốn có.

Tại Hàn Quốc và New Zealand, niềm tin vào chính phủ và sự gắn kết xã hội đã cải thiện khi người dân của các quốc gia này đoàn kết để ứng phó tương đối hiệu quả với đại dịch. Họ đã nhanh chóng quy định đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, các lãnh đạo quốc gia đã sớm đưa ra hỗ trợ tài chính cho người thất nghiệp, tổ chức cấp phát thực phẩm cùng các chương trình khác để giúp mọi người ứng phó với COVID-19.

Trong khi đó, bất bình đẳng và xung đột đảng phái tại Anh và Hoa Kỳ đã ở mức ngột ngạt ngay trước đại dịch. Chính phủ đã phản ứng chậm, truyền đạt kém đến công chúng với những lời khuyên khó hiểu và trái ngược. Chiến lược quản lý dịch bệnh kém hiệu quả, sự tín nhiệm với chính quyền suy giảm lại càng khiến tình trạng bất bình đẳng xã hội và bất mãn nghiêm trọng hơn.

Sức mạnh tập thể

Thật không may, những diễn biến như vậy từng xảy ra trong quá khứ thường dẫn đến kết cục tàn phá và hủy diệt. Nghiên cứu gần 200 tình huống khủng hoảng xã hội trước đây cho thấy quá nửa đã chuyển biến thành nội chiến hoặc khởi nghĩa, khoảng 1/3 liên quan đến các vụ ám sát người cai trị và 40% liên quan đến sự mất kiểm soát lãnh thổ hoặc sụp đổ chính quyền.

Nghiên cứu cũng chỉ ra xã hội nào đã ngăn chặn được đấu đá chính trị, khai thác sức mạnh tập thể để thích ứng và hồi phục.

Trong một đợt bệnh dịch tại Athens (có thể là thương hàn hoặc đậu mùa), các quan chức đã giúp tổ chức cách ly và cung cấp dịch vụ y tế và phân phối thực phẩm cho dân chúng. Ngay cả khi không có hiểu biết gì về virus, họ vẫn nỗ lực vượt qua thời kỳ khó khăn.

Chúng ta cũng kinh ngạc trước năng lực kỹ thuật và sự đoàn kết của một vài xã hội cổ đại để sản xuất đủ lương thực. Những kênh đào dẫn nước từ sông Nile để canh tác nông nghiệp suốt hàng nghìn năm dưới sự chỉ huy của các Pharaoh hay những thửa ruộng bậc thang trên dãy Andes hiểm trở thời đế chế Inca là những minh chứng rõ nét nhất.

Các vương triều Trung Quốc như nhà Thanh đã xây dựng mạng lưới kho thóc khổng lồ trên khắp lãnh thổ bằng tiền ngân khố. Việc này đòi hỏi quá trình quy mô lớn gồm đào tạo, giám sát, bảo đảm tài chính và đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất và vận chuyển lương thực ở tất cả các khu vực.

Các kho lương đóng vai trò quan trọng khi cần cứu trợ thiên tai như lũ lụt, hạn hán, nạn châu chấu hoặc chiến tranh. Hoyer và các đồng nghiệp cũng đã phân tích rằng sự tiêu điều của hệ thống kho lương – do tham nhũng và quản lý kém – là nguyên nhân trực tiếp làm sụp đổ đế quốc Mãn Thanh, vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc.

Một trong những ví dụ nổi bật nhất về một quốc gia từng đối mặt với khủng hoảng đã tránh được điều tồi tệ nhất – cách mạng lật đổ chính quyền – chính là nước Anh quân chủ những năm 1830-1840. Trong hầu hết các trường hợp còn lại, bạo loạn càng khiến giới nhà giàu và quyền thế có xu hướng bám chặt các đặc quyền nhưng tại Anh, đội ngũ tinh hoa mang tư tưởng tiến bộ sẵn sàng vì lợi ích chung của xã hội mà hy sinh một phần của cải và quyền lực.

Từ cuối những năm 1700, lợi tức của nông dân Anh ngày càng giảm sút. Trên hết, cuộc cách mạng công nghiệp với các nhà máy mọc lên như nấm sau mưa tại các thành phố lớn. Nhưng điều kiện làm việc ở đây thật tồi tàn, hầu như không có biện pháp bảo đảm an toàn lao động, công nhân thường xuyên phải làm việc nhiều giờ với đồng lương rẻ mạt, khi bị thương vong lại không được bồi thường. Hệ quả tất yếu là các cuộc nổi dậy và bạo loạn nổ ra khắp nước Anh và Ireland vào đầu thế kỷ XIX. Giai cấp công-nông đoàn kết đứng lên yêu sách quyền lợi chính đáng cho mình.

Họ được sự ủng hộ của nhiều người trong giới tinh hoa chính trị, nhận đủ số phiếu trong nghị viện để thông qua các cải cách luật pháp, bao gồm quy định an toàn làm việc, tăng số lượng dân biểu của giới lao động và thiết lập hệ thống phúc lợi công cộng cho người không thể tìm được việc làm.

Những biện pháp trên đã cải thiện rõ rệt phúc lợi của hàng triệu người trong nhiều thập kỷ tiếp theo. Mặc dù chưa thật sự toàn diện vì phụ nữ vẫn không được hưởng quyền bầu cử, nhưng đây là tiền đề cho các hệ thống phúc lợi hiện đại mà người dân các nước phát triển hầu như đương nhiên được thụ hưởng. Nhờ có sự hỗ trợ của giới tinh hoa, các tiến bộ trở nên dễ dàng đạt được hơn, với ít máu phải đổ xuống (so với một cuộc cách mạng).

Tìm kiếm hy vọng

Nếu quá khứ dạy chúng ta điều gì, thì đó là nếu cứ bám víu lấy hệ thống lỗi thời, kém thích nghi với sự thay đổi của hoàn cảnh – như biến đổi khi hậu hay bất ổn xã hội – thì thảm họa sẽ xảy đến. Những người có phương tiện và cơ hội để thúc đẩy thay đổi cần phải thực hiện cải cách, hoặc ít nhất là không cản trở nó.

Bài học bày ra trước mắt, nhưng khó học làm sao!

Thật không may là có nhiều chỉ dấu trên khắp thế giới cho thấy sai lầm của quá khứ đang lặp lại, đặc biệt từ những lãnh đạo chính trị đương thời và cả những người khát khao vươn lên nắm quyền.

Vài năm trở lại đây, chúng ta phải chứng kiến ngày càng nhiều thảm họa sinh thái, tình trạng bần cùng hóa, thế bế tắc chính trị, tâm lý bài ngoại, sự trở lại của các thể chế độc tài, và cả chiến tranh tàn khốc.

Thế giới đa khủng hoảng không có dấu hiệu lắng dịu, mà dường như trở nên tồi tệ và lan rộng hơn. Liệu có phải đây là khởi đầu của sự kết thúc, hay của niềm hy vọng, còn tùy thuộc vào cách ứng phó của chính chúng ta, nhân loại.□

Cao Hồng Chiến 

Trích: Các xã hội sụp đổ: Bài học cho nhân loại - Tạp chí Tia sáng (tiasang.com.vn)